Người ta, dầu là người tầm thường đến mực nào, bao giờ cũng cho mình là quan trọng hơn tất cả. Cái “Tôi” có phải đâu đáng ghét. Nó là cái dễ yêu nhất trong đời. Nhưng tại ta chìu chuộng nó quá mức cần thiết, mà thành ra cách xử lý quá chủ quan của ta trong đời sống, để gây ra không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương... Cho nên mới có người thốt lên: “Cái tôi rất đáng ghét”.
Đừng bao giờ dùng quyền lực, uy thế để mà bắt ai đó phải sống theo mình, không bao giờ làm được điều đó, mà có làm được đi chăng nữa cũng chỉ là một việc làm tạm thời, do bức ép, gặp thời cơ người ta cũng sẵn sàng chống đối..
Ở đời có ai tự nhận mình làm bậy, dầu là tay đại gian đại ác như Tào Tháo cũng không chịu nhận mình là gian ác,Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước. Bởi vậy, cãi lý hay muốn đem cái lẽ phải của mình ép buộc họ phải nghe theo, thì chắc chắn không bao giờ được, ngược lại còn gây thêm lắm điều không hay khác trong giao tiếp hàng ngày.
Thuở nhỏ tôi là người hay cãi nhất. Tính hiếu thắng xui tôi bao giờ cũng không chịu nhịn ai cả, dầu trong một lời nói tầm thường cũng vậy. Trong những cuộc cãi vã, không bao giờ tôi chịu nhường ai một lời. Rủi mà lời nói mình không được người để ý đến hoặc phản bác, thì không gì buồn khổ, bực tức bằng….
Ngày xưa có Khuất Nguyên, làm quan cho Hoài Vương nước sở bị sàm báng phải đuổi đi. Mặt mũi tiều tụy, thân hình héo khô, có người hỏi tại sao. Khuất Nguyên nói: “Đời đục cả, một mình ta trong. Người say cả, một mình ta tỉnh… Bởi vậy ta mới bỏ đi”.(Tự cao thấy ớn luôn)
Đây cũng là “tâm sự” của hàng vạn người ngày nay. Tại sao mình muốn cho người ta phải nghe theo mình mà không để người ta như mình, nghĩa là theo cái ý nghĩ của người ta?
Đừng công kích, đừng biếm nhẽ, đừng mạt sát ai… Nghĩa là đừng chạm vào lòng tự ái của ai, nếu mình muốn người ta nghe theo mình, nghe theo lẽ phải của mình, thì đó là cái thiện cảm đầu tiên mà mình gây được nơi lòng người. Đó chính là cái chìa khóa thành công của mình sau này.
Thương nhau mọi sự chẳng nề.
Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Trái lại nếu mình vô tình gây ác cảm lúc ban đầu, thì chỉ luôn gặp thất bại về sau..
Yêu ai, yêu cả đường đi
Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng.
Nếu có sự yêu ghét chen vào trước, thì sự thuận nghịch sẽ thấy liền tiếp theo.
Cái ác cảm lúc ban đầu sẽ gìm bạn đến tận cùng của thất bại
Dù có lý luận cỡ nào, có bằng cứ cỡ nào, tôi chắc rằng nguyên lý ấy không bao giờ thay đổi.
Những tình huống lúc giao tiếp với bất cứ ai, cũng phải nghĩ đến trình độ của người khác, dầu người ấy có ngu si vụng dại đến đâu, thì họ cũng có cái lý của họ, hay vì trình độ hiểu biết của họ khiêm tốn, chỉ biết ngần ấy là cùng. Đối với người thấp, đừng dùng lời quá cao mà thành ra cầu kỳ lập dị; đối với người cao đừng dùng lời lẽ quá thấp mà bị người khinh thường, khi dễ.
Trình độ hiểu biết của mỗi người đều có sự chênh lệch. Trình độ của ta yếu kém thì không bắt buộc ta phải nhận những gì mà ta chưa hiểu được, Không chịu hiểu thế, mà gắng gượng làm cho người khác cũng phải hiểu ta là đang hiểu... Thật là mê muội quá đi. Đã vậy còn bực tức bất bình chỉ vì người ta không chịu hiểu theo mình; tôi tưởng không còn gì ngu si hơn thế nữa. Mình nói mà người ta không hiểu, biết đâu không phải vì người ta ngu, mà là mình ngu, nghĩa là mình không biết cách làm cho người ta hiểu. Cũng như làm thầy dạy học trò mà học trò không hiểu, đừng vội cho chúng là ngu, mà phải tự trách thầy vì thầy không biết cách làm cho chúng hiểu.
Tại sao biết chắc là lời mình thì đúng, còn của người khác là sai. Cái sướng của người trí thức, kẻ ngu lấy làm bực mình; cái sướng của người ngu cũng làm cho trí thức bực mình vậy. Phải quấy là một lẽ tương quan, đối với mình cũng như đối với người. Vậy cãi nhau về điều phải quấy, để làm gì?
Sự vật trong đời nó thiên hình vạn trạng, chắc gì mình biết được tất cả phương diện của sự đời, và biết đâu điều mình biết kia chỉ là một trạng thái của sự vật thôi. Chỉ những người sáng suốt mới dám tự hào là thấy được chân tướng của sự vật, nhưng mà biết đâu họ chỉ biết được nhiều phương diện hơn mình thôi, chứ không phải là biết hết tất cả phương diện.
(Chuyện bốn ông mù sờ voi)