Thiên đàng địa ngục hai quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa.
Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng.
Qua ý nghĩa bài đồng dao này chúng ta đoán được xuất xứ của nó là các trò chơi xuất phát từ các làng Công giáo.
Câu thứ hai, có nơi nói khác đi một chút : thay vì “Ai khôn thì về, ai dại thì sa” lại đọc là “Ai khôn thì lại, ai dại thì qua”. Theo đó thì “Ai khôn thì lại” : lại là đến, đến thiên đàng. “Ai dại thì qua” : Qua là tới, tới địa ngục.
Thực ra khôn khéo hay vụng dại tùy vào cách sống. Sống sao cho linh hồn khỏi sa địa ngục là khôn ngoan. Sống mà linh hồn không được lên Thiên đàng là khờ dại…
Trong cuốn “Góp nhặt cát đá” (Shasekishu) truyện 31, thiền sư Muju kể rằng : một người đến xin thiên sư Hakuin (1686-1768) thiên đàng và địa ngục có thật không.
Sư hỏi :
- Anh là ai ?
Đáp :
- Tôi là samurai.
Sư ra giọng mỉa mai :
- Kiếm sĩ ư ? Trông chẳng khác tên ăn mày.
Tức giận, kẻ ấy đưa tay sờ vào đốc kiếm. Sư không buông tha :
- Anh mà đủ gan cắt đầu ta ư ?
Lập tức kiếm bèn tuốt ra. Sư ngửa cổ, bảo :
- Đây, hãy mở cửa địa ngục.
Bừng ngộ, kẻ kia liền tra kiếm vào vỏ, cung kính chắp tay xá . Sư nói luôn :
- Cửa Thiên đàng vừa mở.
Truyện : Thiên đàng là của con.
Một cô gái bị cám dỗ rất nặng nề về sự tuyệt vọng. Với những tội lỗi của mình, cô nghĩ rằng cô đã có chỗ trong hỏa ngục đời đời, không còn hy vọng gì được Thiên Chúa yêu thương và hưởng phúc Thiên đàng nữa. Ngày kia, thánh Philipphê Nêri đến thăm cô. Sau khi nghe cô thổ lộ tâm hồn, thánh nhân nói :
- Thật là tai hại, con gái yêu của ta, khi con tin rằng con đã được dành cho lửa đời đời, Thiên đàng mới là của con.
Cô gái tội nghiệp nức nở thưa :
- Cha ơi, con không thể tin được điều ấy.
- Đó là vì con khờ dại. Cha sẽ chứng minh cho con thấy. Chúa Giêsu đã chết cho ai ?
Cô gái đáp :
- Cho người tội lỗi.
- Đúng lắm, thế bây giờ con nghĩ con là một vị thánh sao ?
Cô gái vừa khóc vừa trả lời :
- Không, con là một kẻ đầy tội lỗi.
- Như vậy, chính vì con mà Chúa Giêsu đã chết, và chắc chắn Chúa chết là để cho con được vào Thiên đàng. Vậy thì Thiên đàng là của con, bởi con đã gớm ghét tội lỗi, con đừng nghi ngờ chi nữa.
Những lời của thánh Philipphê Nêri bắt đầu thấm vào tâm hồn cô gái. Và từ lúc ấy, lời nói “Thiên đàng là của con” đã không ngừng an ủi cô và khiến cô không mất lòng tin tưởng vào tình thương yêu vô biên của Chúa nữa.
Truyện : Ngôi nhà xinh đẹp
Một bà giầu sang đến cửa Thiên đàng. Thánh Phêrô chỉ cho bà một căn nhà rất xinh đẹp và bảo :”Đây là nhà tài xế của bà”.
Bà ta mừng rỡ và nghĩ thầm :”Tài xế như thế, chắc nhà mình sẽ lộng lẫy hơn nhiều”.
Nhưng, bước xa hơn một chút, thánh Phêrô chỉ túp lều nhỏ xíu và bảo :”Nhà của bà đấy”.
Hụt hẫng và ngỡ ngàng, bà ta vội kêu to :”Đâu được, thưa ngài làm sao con có thể ở trong đó được.
Thánh Phêrô ôn tồn giải thích :”Rất tiếc con ạ, vật liệu con gửi lên đây chỉ đủ để xây túp lều như thế.
Thiên đàng không có nếu con không xây,
Hỏa ngục chẳng thấy nếu con không sắm.
Con đừng nhọc công để đi tìm đàng sau cuộc đời này một Thiên đàng, nếu ngay cuộc sống trần gian này con chẳng thấy Thiên đàng ló dạng. Định mệnh cuộc đời đâu phải là một lá bài may rủi. Ai cũng chết nhưng số phận khác nhau.
TÌM…

Đời người là quãng đường vừa dài vừa ngắn, với bao trăn trở khôn nguôi, cứ miệt mài đi trong thời gian để kiếm tìm điều mình khát vọng. Tìm. Tìm hoài. Tìm mãi. Và chợt một chiều thấy tóc trắng như vôi. Bừng giấc đời. Con người bỗng thấy mình chưa tìm được gì – ngay cả chính mình.
Chiều. Quán café vắng khách. Tôi thu mình để nghe tiếng mưa tí tách như thầm trách. Một cơn mưa bất chợt. Cô chủ quán để rơi nụ cười xinh xắn bên tôi khi cô nhẹ nhàng đặt tách café đen trên bàn. Từng giọt buồn đặc quánh chầm chậm nhỏ xuống. Vô tình đúng lúc ca sĩ Khánh Ly “bước đi” chầm chậm trong giai điệu êm đềm…
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng Nhật Nguyệt
Dọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Thì ra có người đã mang tâm trạng mênh mang đó – cố NS Trịnh Công Sơn, trong “Một cõi đi về”. Tôi đã bao năm sóng lưu lạc theo bước chân phù lãng nhân. Và, hình như rất vô tình, tôi không biết từ bao giờ và vì sao đã vương nghiệp dĩ Âm nhạc – Thi ca. Coi đó như cõi ngu-lạc-trường riêng mình. Chợt nhớ câu nói của Cô Bé Cà Mau (nay định cư tại Utah, USA), từ 20 năm trước, đã có lần trách tôi “vô tình và tàn nhẫn” khi nàng giận tôi. Phải chăng vì tôi mê Thơ Nhạc quá mà hoá thành vừa “khô” vừa “lạnh” mỗi khi nói chuyện? Hình như tôi chợt nhận ra mình. Thú thật, dù sao tôi cũng cảm ơn nàng đã phần nào giúp tôi nhận diện chính mình!
Ngày tháng cứ trôi qua, trôi đi mãi một cách vô tình. Tôi cứ đi, đi mà chẳng biết mình đi đâu! Tìm gì giữa dòng đời xôn xao xuôi ngược? Tìm hoài cũng chỉ thấy cô đơn và bâng khuâng ngay giữa lòng phố thị nhộn nhịp. Vừa động vừa tĩnh. Tôi như con ruồi sa lưới nhện, giãy giụa mãi chỉ thêm rối rắm. Ai cũng soi chung đôi vầng Nhật Nguyệt để khả dĩ tìm được cho mình một lối riêng, rất riêng, ngay trong cái chung. Thế mà tôi vẫn chưa thể tìm thấy cho mình “một cõi đi về” giữa cuộc đời này! Một ngày như mọi ngày, bình thường mà nhiêu khê, tưởng lặng mà rất động, miên man sóng cứ xô bờ tôi…
Viên-cuội-tôi lăn mòn trên bao con dốc đời, vẫn thấy cỏ dại đung đưa trong gió, vẫn nghe côn trùng kêu da diết… Tôi như con dế trũi rung cánh ưu phiền. Và tôi vẫn “lăn” tiếp, loanh quanh bên dọc đường gió bụi với bao trăn trở khôn nguôi, nhất là những đêm về đối diện với chính mình. Rời rã vì mệt mỏi nhưng không thể thúc thủ, dù hoan cảnh khắc nghiệt. Là con người, vốn chỉ là “cây sậy có lý trí” (Pascal), không thể không có những phút xao lòng, yếu đuối, nao núng, hoang mang…
Bao năm rồi nhỉ? Tôi hóa thành khó hiểu và càng trầm lặng hơn đến nỗi khiến nhiều người “khó chịu”. Tôi biết mà không thể trần tình “nỗi oan Thị Kính”. Tôi thấy tâm hồn mình yếu đuối trong một thể xác đang mục nát theo thời gian. Chùn chân không muốn bước nhưng vẫn phải tiếp tục đi, đi nữa, đi cho đến khi hoá thân làm cát bụi. Viên đá cuội nằm chết lẻ loi bên vệ đường trần gian mà chưa nguôi trăn trở. Và như vậy, cũng lại rất ngẫu nhiên, tôi vẫn tiếp tục loanh quanh bước dò tìm, tìm mãi, tìm chính mình!
Âm nhạc của NS họ Trịnh mang nhiều triết-lý-sống, rất gần gũi với tôi, cũng mang những nỗi trăn trở không nguôi của thân phận con người nhỏ bé và hữu hạn, trong khi tình yêu lại quá vĩ đại và bao la.
Chiều lên cao, gần chạm vào đêm. Tại một góc quán, đôi tình nhân ngồi nép sát nhau cười rúc rích như giai điệu hạnh phúc, lảnh lót, trong veo như tiếng thuỷ tinh. Ca khúc Một cõi đi về đã dứt mà điều gì đó còn ray rứt, chưa dứt hẳn!
Cõi lòng tôi đắm trong cõi trầm tư, bâng khuâng, mênh mang và khó tả. Tôi lại tiếp tục hành trình cuộc đời, và vẫn miệt mài đi tìm, tìm chính mình, tìm cái gì đó trong nhạc và trong thơ…
Nhưng có điều quan yếu nhất mà tôi xác định là tôi đang tìm Thiên Chúa, tìm Đức Kitô, tìm Ơn Cứu Độ, vì chỉ có Ngài là Khởi Đầu và là Cùng Đích của tôi (x. Kh 1,17-18). Tôi không muốn “hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, vì tôi sợ Chúa sẽ mửa tôi ra khỏi miệng Ngài” (x. Kh 3,16). Xin thương lắng nghe: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội” (Lc 18,9-14).
Saigon, lập Đông 2011
Trầm Thiên Thu
NHỮNG KHÁC BIỆT CĂN BẢN GIỮA CÔNG GIÁO, CHÍNH THỐNG GIÁO VÀ TIN LÀNH

Hỏi: Trong bài trước cha đã nói đến các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều mặt thần học, tín lý, giáo lý, bí tích, phụng vụ .v.v. Xin cha nói rõ hơn về những khác biệt này giữa Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành.
Trả lời: như đã giải thích trong bài trước, cả ba Nhánh Kitô Giáo trên đây, từ đầu, đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là KitôGiáo (Christianity). Nhưng theo dòng thời gian, đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo (schisms) hoặc những cải cách (reformations) đáng tiếc xảy ra khiến KitôGiáo bị phân chia thành 3 Nhánh chính trên đây. Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo (Anglican Communion) do vua Henri VIII (1491-1547) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho Nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh La Mã (Đức Giáo Hoàng Clement VII) không chấp nhận cho nhà vua ly di để lấy vợ khác.
Cho đến nay, các nhóm ly khai trên vẫn chưa hiệp thông được với Giáo Hội Công Giáo vì còn nhiều trở ngại chưa vượt qua được.. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giới hạn trong câu hỏi được đặt ra, tôi chỉ xin nêu sau đây những dị biệt căn bản giữa ba Nhánh Kitô Gíáo lớn trên đây mà thôi.
I- Chính Thống (orthodoxy) khác biệt với Công Gíáo La Mã (Roman Catholicism) ra sao?
Trước hết, danh xưng Chính Thống “Orthodoxy”, theo ngữ căn (etymology) Hy lạp ” orthos doxa”, có nghĩa là ”ca ngợi đúng” (right-praise), “tin tưởng đúng ” (right belief) . Danh xưng này được dùng trước tiên để chỉ lập trường của các giáo đoàn đã tham dự các Công Đồng đại kết (Ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và nhất là Chalcedon (451) trong đó họ đã đồng thanh chấp thuận và đề cao những giáo lý được coi là chân chính (sound doctrines) , tinh tuyền của KitôGíáo để chống lại những gì bị coi là tà thuyết hay lạc giáo (heresy). Do đó, trong bối cảnh này, từ ngữ “orthodoxy” được dùng để đối nghịch với từ ngữ ” heresy” có nghĩa là tà thuyết hay lạc giáo. Nhưng sau biến cố năm 1054 khi hai Giáo Hội Kitô Giáo Hy Lạp ở Constantinople (tượng trưng cho Đông Phương) và Giáo Hội Công Giáo LaMã (Tây Phương) đã xung đột và ra vạ tuyệt thông cho nhau ( anthemas=excommunications) ngày 16 tháng 7 năm 1054 giữa Michael Cerularius, Thượng Phụ Constantinople và Đức cố Giáo hoàng Leo IX vì có những bất đồng lớn về tín lý, thần học và quyền bính, thì danh xưng “Chính Thống” ( orthodoxy) lại được dùng để chỉ Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople đã ly khai không còn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Sau này, Giáo Hội “Chính Thống” Hy Lạp ở Constantinople đã lan ra các quốc gia trong vùng như Thổ nhĩ Kỳ, Nga, Albania, Estonia, Cyprus, Finland, Latvia, Lithuania, Rumania, Bulgaria, Serbia, Ukraine…Vì thế, ở mỗi quốc gia này cũng có Giáo Hội Chính Thống nhưng độc lập với nhau về mọi phương diện. Nghĩa là không có ai là người lãnh đạo chung của các Giáo Hội này, mặc dù họ có tên gọi chung là các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches) tách khỏi khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã. (Tây Phương)
Tuy nhiên, hiện nay Thượng Phụ (Patriarch) Giáo Hội Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul được coi là Thượng Phụ Đại Kết (Ecumenical Patriarch) của các Giáo Hội Chính thông Đông Phương. Cách nay 2 năm Đức Thánh Cha Bê-nê-đich tô 16 đã sang thăm Đức Thượng phụ Giáo Chủ Chính Thống Thổ để tỏ thiện chí muốn đối thoại, đưa đến hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh em. Riêng Giáo Hội Chính Thống Nga, cho đến nay, vẫn chưa tỏ thiện chí muốn xích gần lại với Giáo Hội Công Giáo La Mã, vì họ cho rằng Công Giáo muốn “lôi kéo” tín đồ Chính Thống vào Công Giáo sau khi chế độ cộng sản ở Nga tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo Hội Chính Thông Nga hành Đạo.
Trước khi xẩy ra cuộc ly giáo năm 1054, hai Nhánh Kitô giáo lớn ở Đông và Tây phương (The Greek Church and the Holy See=Rome) nói trên vẫn hiệp thông trọn vẹn với nhau về mọi phương diện vì cả hai Giáo Hội anh em này đều là kết quả truyền giáo ban đầu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê. Lịch sử truyền giáo cho biết là Thánh Phêrô đã rao giảng Tin mừng ở vùng đất nay là lãnh địa của Giáo Hội Công Giáo La Mã (Roma) trong em ngài, Thánh Anrê (Andrew) sang phía Đông để rao giảng trước hết ở Hy lạp và sau đó trong phần đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Như thế, cả hai Giáo Hội KitôGiáo Đông Phương Constantinople và Tây Phương Rôma đều có nguồn gốc Tông đồ thuần túy ( Apostolic succession).
Sau đây là những điểm gây bất đồng khiến đi đến ly giáo (schism) Đông Tây
1- Về tín lý, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương- tiêu biểu ban đầu là Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople- bất đồng với Giáo Hội Công Giáo La Mã về từ ngữ “Filioque” (vàCon) thêm vào trong Kinh Tin Kính Nicêa tuyên xưng “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha, và Chúa Con mà ra”.
Giáo Hội Chính Thông Đông Phương cũng không công nhận các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai (Immaculate Conception) và Lên Trời cả hồn xác (Assumption) mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Sở dĩ thế, vì họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, nên đã bác bỏ mọi tín điều được các Đức Giáo Hoàng công bố với ơn bất khả ngộ (Infallibility) mà Công Đồng Vaticanô I (1870) đã nhìn nhận.
Chính vì họ không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng Rôma, nên đây là trở ngại lớn nhất cho sự hiệp nhất (unity) giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo cho đến nay, mặc dù hai bên đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople là Athenagoras I năm 1966.
Giáo Hội Chính Thống có đủ bảy bí tích hữu hiệu như Công Giáo. Tuy nhiên, với bí tích rửa tội thì họ dùng nghi thức dìm xuống nước (immersion) 3 lần để nhấn mạnh ý nghĩa tái sinh vào đời sống mới, trong khi Giáo Hội Công Giáo chỉ dùng nước đổ trên đầu hay trán của người được rửa tội để vừa chỉ sự tẩy sạch tội nguyên tổ và các tội cá nhân ( đối với người tân tòng) và tái sinh vào sự sống mới, mặc lấy Chúa Kitô.
2- Về phụng vụ, Giáo Hội Chính Thống dùng bánh có men (leavened bread) và ngôn ngữ Hy lạp khi cử hành phung vụ trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) và tiếng Latinh trong phụng vụ thánh trước Công Đồng Vaticanô II, và nay là các ngôn ngữ của mọi tín hữu.
3- Sau hết, về mặt kỷ luật giáo sĩ: Giáo Hội Chính Thông cho phép các phó tế và linh muc được kết hôn trừ Giám mục, trong khi kỷ luật độc thân (celibacy) lại được áp dụng cho mọi cấp bậc trong hàng giáo sĩ và tu sĩ Công Giáo, trừ phó tế vĩnh viễn (pernanent deacons).
Đó là những khác biệt căn bản giữa Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo La Mã.
Tuy nhiên, dù có những khác biệt và khó khăn trên đây, Giáo hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đều rất gần nhau về nguồn gốc tông đồ và về nền tảng đức tin, giáo lý, bí tích và Kinh thánh. Vì thế, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng: “Đối với các Giáo Hội Chính thống, sự hiêp thông này sâu xa đến nỗi “chỉ còn thiếu một chút là đạt được mức đầy đủ để có thể cho phép cử hành chung phép Thánh Thể của Chúa Kitô” (x.SGLGHCG, số 838).
II- Tin lành ( Protestantism) và những khác biệt với Công Giáo.
Như đã nói trong bài trước, Tin lành, nói chung, là Nhánh KitôGíao đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một linh mục Dòng thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517 tại Đức và lan sang Pháp với John Calvin và Thụy sỹ với Ulrich Zwingli và các nước Bắc Âu sau đó.
1- Ở góc độ thần học,
Những người chủ trương cải cách (reformations) trên đã hoàn toàn bác bỏ mọi nền tảng thần học về bí tích và cơ cấu tổ chức giáo quyền (Hierachy) của Giáo Hội Công Giáo. Họ chống lại vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc hòa giải con người với Thiên Chúa qua bí tích tha tội hay hòa giải (reconciliation) vì họ không nhìn nhận bí tích truyền chức thánh (Holy Orders) qua đó Giám mục, Linh mục được truyền chức thánh và có quyền tha tội nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) cũng như thi hành mọi sứ vụ (ministry) thiêng liêng khác. (rửa tội, thêm sức, thánh thể, Xức dầu thánh, chứng hôn).
Điểm căn bản trong nền thần học của Tin Lành là con người đã bị tội tổ tông phá hủy mọi khả năng hành thiện rồi (làm việc lành), nên mọi nỗ lực cá nhân để được cứu rỗi đều vô ích và vô giá trị. Chỉ cần tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô dựa trên Kinh Thánh là được cứu rỗi mà thôi. (Sola fide, sola scriptura). Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tin rằng con người vẫn có trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa để được cứu rỗi. Nói khác đi, muốn được cứu độ, con người phải cậy nhờ trước hết vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, nhưng cũng phải có thiện chí công tác với ơn thánh để sống và thực thi những cam kết khi được rửa tội. Nếu không, Chúa không thể cứu ai được như Chúa Giêsu đã nói rõ: “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21).
Nói khác đi, không phải rửa tội xong, rồi cứ hát Alleluia và kêu danh Chúa Kitô là được cứu độ. Điều quan trong hơn nữa là phải sống theo đường lối của Chúa, nghĩa là thực thi những cam kết khi được rửa tội: đó là mến Chúa, yêu người và xa lánh tội lỗi. Nếu không, rửa tội và kêu danh Chúa thôi sẽ ra vô ích.
Anh em tin lành không chia sẻ quan điển thần học này, nên họ chỉ chú trọng vào việc đọc và giảng kinh thánh nhưng không nhấn mạnh đến phần đóng góp của con người như Chúa Giêsu đòi hỏi trên đây. Ngoài phép rửa và kinh thánh, họ không tin và công nhận một bí tích nào khác. Điển hình, vì không công nhận phép Thánh Thể, nên họ không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu, mặc dù một số Giáo phái Tin lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho khi họ tụ họp để nghe giảng kinh thánh. Sứ vụ quan trọng của họ chỉ là giảng kinh thánh vì họ chỉ tin có Kinh Thánh ( Sola Scriptura) mà thôi.
2- Nhưng Kinh Thánh được cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của họ, nên có rất nhiều mâu thuẫn hay trái ngược với cách hiểu và cắt nghĩa của Giáo hội Công Giáo.
Thí dụ, câu Phúc Âm trong Matthêu 22 : 8-9 trong đó Chúa Giêsu dạy các tông đồ “ không được gọi ai dưới đất là cha là thầy vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” mà thôi. Vì họ hiểu câu này hoàn toàn theo nghĩa đen (literal meaning) nên đã chỉ trích Giáo Hội Công giáo là ‘lạc giáo=heretical” vì đã cho gọi Linh mục là “ Cha” (Father, Père, Padre)!.
Thật ra, Giáo Hội cho phép gọi như vậy, vì căn cứ vào giáo lý của Thánh Phaolô, và dựa vào giáo lý này, Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium đã dạy rằng; “ Linh mục phải chăm sóc giáo dân như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn.” (1 Cor 4: 15; LG. số 28).
Một điểm sai lầm nữa trong cách đọc và hiểu kinh thánh của Tin lành là câu Phúc Âm Thánh Marcô kể lại một ngày kia Chúa Giêsu đang giảng dạy cho một đám đông người thì Đức Mẹ cà các môn đệ của Chúa đến. Có người trong đám đông đã nói với Chúa rằng: “Thưa Thầy có mẹ và anh em, chị em của Thầy ở ngoài kia đang tìmThầy.” (Mc 3:32). Anh em tin lành đã căn cứ vào câu này để phủ nhận niềm tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh của Công Giáo và Chính thống, vì họ cho rằng Mẹ Maria đã sinh thêm con cái sau khi sinh Chúa Giêsu. Nghĩa là họ chỉ tin Đức Mẹ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu mà thôi. Thật ra cụm từ “anh chị em “trong ngữ cảnh (context) trên đây chỉ là anh chị em theo nghĩa thiêng liêng (spiritual brotherhood, sisterhood) và đây là cách hiểu và giải thích Kinh Thánh của Công Giáo và Chính Thống, khác với Tin lành.
Sau hết, về mặt quyền bình, các giáo phái Tin lành đều không công nhận Đức Giáo Hoàng là Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trong sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người trên trần thế.
3- về bí tích:
Tất cả các nhóm Tin Lành đều không có các bí tích quan trọng như Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, Xức Dầu bệnh nhân và Truyền Chức Thánh vì họ không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession) do đó, không có chức linh mục và giám mục hữu hiệu để cử hành các bí tích trên.
Đa số các nhóm này chỉ có phép rửa (Baptism) mà thôi. Nhưng nếu nhóm nào không rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi (The Trinitarian Formula) thì không thành sự ( invalidly) . Do đó, khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tín hữu Tin Lành nào không được rửa tội với nước và công thức trên thì phải được rửa tội lại như người tân tòng.(catechumen). Nếu họ được rửa tội thành sự thì chỉ phải tuyên xưng đức tin khi gia nhập Công Giáo mà thôi.
Đó là những khác biệt căn bản giữa Công Giáo và Tin Lành nói chung. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn hướng về các anh em ly khai này và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ qua nỗ lực đại kết (ecumenism) mà Giáo hội đã theo đuổi và cầu nguyện trong nhiều năm qua.
Chúng ta tiếp tục cầu xin cho mục đích hiệp nhất này giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Kitô nhưng đang không hiệp thông (communion) với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội duy nhất Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng các Tông đồ.
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Tác giả: Lm. PX. Ngô Tôn Huấn
CHÚA LÀ SỰ THẬT
“Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”
(Gio-an 14, 6)
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh-hiến họ. Lời Cha là sự thật”
(Gio-an 17, 17)
Dẫn Nhập
Trong thư 1 gửi ông Ti-mô-thê, thánh Phaolô viết: “Tôi nói thật chứ không nói dối.” (1 Tm. 2, 7). Theo từ-nguyên, để chỉ về sự thật hay chân-lý, tiếng La-tinh veritas là do chữ verus mà Anh-ngữ dịch nghĩa là sự thật, có thật không chút nghi-nan, không giả-tưởng hay giả-thiết, không thêm bớt bịa đặt dựng đứng, không giả-tạo làm mất đi bản-chất tự-nhiên (existing in fact, without doubt, not imagined or supposed, not made up or articial).
Vậy khi nói rằng “có thật”, tức là nhìn nhận sự thật ấy có giá-trị hiển-nhiên, tuyệt-đối, vàvĩnh-cửu bất biến. Nhận biết giá-trị của sự thật giúp ta dễ-dàng nhìn ra được Thiên-Chúa chính là Đấng Chân Thật: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Gioan 14, 6). Quả vậy, Sự Thật mà Đức Giêsu Kitô nói ở đây chính là đạo-lý của Thiên-Chúa (Gioan 1, 17.7), là chính Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập-Thể (Gioan 5, 33; 14, 6). Sách thánh có lời chép: “Chúng ta biết rằng Con Thiên-Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí-khôn để biết Thiên-Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên-Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa thật và là sự sống đời đời.” (Gioan 5, 20).
I- THIÊN-CHÚA LÀ SỰ THẬT HIỂN-NHIÊN
1- Sự thật gọi là hiển-nhiên vì sự thật thì không che đậy giấu-giếm, không giả hình, lấy cái bề ngoài để che giấu cái cốt lõi bên trong.
Cho nên: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cái chất gỗ bên trong mới là thực-chất, còn nước sơn bên ngoài chỉ là màu mè che đậy mà thôi. Đấy chỉ là cái hình dạng giả-tạo không đúng thực, nói khác, đó là giả hình. Quân Pha-ri-siêu và các kinh-sư đã nhiều lần bị Đức Giêsu Kitô khiển-trách vì họ giả hình, che giấu cái bản-chất thật sự xấu-xa bằng bộ mặt giả dối của họ, họ nói một đàng nhưng làm một nẻo (Mat. 23)
2- Sự thật gọi là hiển-nhiên vì sự thật thì không sai lầm, dối-trá, nhưng chính-đáng, thẳng-thắn, không quanh-co lượn uốn.
Cho nên để dọn đường cho Chúa đến, “có tiếng hô trong hoang-địa: ‘hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi; mọi thung-lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi, phải bạt cho thấp; khúc quanh-co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng!’ ’’ (Luca 3, 4-5)
Bởi vì dối-trá thì đối nghịch với sự thật, dối-trá là bóng tối của tội ác đối nghịch với ánh sáng của sự thiện, mà “Thiên-Chúa là ánh sáng, nơi Người không có một chút bóng tối nào”, và như lời Thánh Gioan:
“Nếu chúng ta nói
Là chúng ta hiệp-thông với Người
Mà lại đi trong bóng tối,
Thì chúng ta nói dối
Và không hành-động theo sự thật
(1 Gioan 1, 5-6)
Ma quỷ là kẻ nói dối, chúng chống lại sự thật, không đứng về phía sự thật, từ-khước sự thật. Cho nên Chúa Giêsu nói với những người Do-Thái dối-trá rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn-đệ của tôi, các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải-phóng các ông. Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó theo bản-tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian-dối. Còn tôi, chính vì tôi nói sự thật, nên các ông không tin tôi.” (Gioan 8, 31-32; 44-45).
3- Sự thật gọi là hiển-nhiên vì sự thật thì đơn-sơ tự-nhiên, có thế nào thì cứ diễn-tả, thể-hiện y nguyên như thế, cứ tự-nhiên như trẻ nhỏ hồn-nhiên không màu mè.
Thư thánh Gia-cô-bê viết: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không” (Gia-cô-bê. 5, 12). Thiên-Chúa là chân-lý, Người chuộng sự thật nên Người yêu mến trẻ nhỏ vì chúng thật-thà, đơn-sơ: “Khi người ta dẫn trẻ em đến để Đức Giêsu chạm tay vào chúng, các môn-đệ đã xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: ‘Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên-Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em, ai không đón nhận Nước Thiên-Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào’ ”. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.” (Mc. 10, 13-16).
II- THIÊN-CHÚA LÀ SỰ THẬT TUYỆT-ĐỐI
1- Sự thật gọi là tuyệt-đối vì không thể chối cãi, chẳng cần lý luận chứng-minh, đương nhiên được chấp nhận, và ai ai cũng đều cảm nhận như thế.

Mô-hình trên đây cho ta hình-dung mầu-nhiệm Thiên-Chúa Ba Ngôi tam vị nhất thể là một chân-lý tuyệt-đối, vĩnh-cửu.
Nói rằng: “Người ta ai cũng phải chết”, thì đó là một sự thực không thể phủ-nhận, chẳng cần phải chứng-minh. Cũng như trong toán-học, định-đề khác với định-lý buộc phải chứng-minh bằng lý luận. Định-đề (axiom) thì phải chấp nhận đó là sự thật không thể chối cãi, được chấp nhận bằng cảm-quan quy-nạp, chứ không bằng diễn-dịch biện-luận (Axiom is accepted as true without proof or argument. It is clear and evident without proof). Ví-dụ có một định-đề phát biểu rằng: “ở ngoài một đường thẳng nằm trên cùng môt mặt phẳng, chỉ có thể vẽ được một đường thẳng khác duy nhất song song với đường thẳng ấy, không thể vẽ được một đường thẳng thứ hai nào khác song song với nó”. Đó là sự thực hiển-nhiên, ai cũng cảm nhận như vậy, cảm nhận được mà không cần chứng-minh (demonstrate), chỉ có thể xác-minh (justify) mà thôi. Ví dụ một cách khác thông thường hơn cho dễ hiểu: “Một tổng-thể bao giờ cũng lớn hơn phần-tử của tổng-thể”: quả cam đương-nhiên lớn hơn mỗi múi cam khi bổ ra.
1.1- Chính định-đề này cho ta một mô-hình phác-hoạ chân-dung của Thiên-Chúa, chỉ có một Thiên-Chúa duy nhất, cũng như trên cùng một mặt phẳng chỉ có một đường thẳng song song với một đường thẳng nằm trên mặt phẳng ấy. Cũng trong toán-học, đường thẳng thì chạy từ vô cực này trong quá-khứ “từ trước vô cùng” qua thời-điểm hiện-tại “bây giờ”, thẳng đến vô cực kia trong tương-lai “đời đời chẳng cùng”, hay đường tròn thì “vô thuỷ vô chung”, không có khởi-điểm và tận-điểm, hoặc một tam giác đều thì có 3 cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau, tất cả họp thành một tam-giác duy nhất.
Nếu chấp nhận điều sơ-đẳng này là sự thật, thì tại sao ta không thâm-tín được Thiên-Chúa là Đấng vô thuỷ vô chung với mầu-nhiệm Tam Vị Nhất Thể là “Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh-Thần; Ba Ngôi ấy bằng nhau, không Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém, và Ba Ngôi cũng là một Chúa mà thôi”. (Sách Bổn cũ). Đó là Sự Thật.
1.2- Thiên-Chúa là Sự Thật tuyệt-đối. Cho nên thư thánh Phaolô gửi ông Ti-mô-thê viết rằng:
“….Thiên-Chúa, Đấng cứu-độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu-độ và nhận biết chân-lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên-Chúa, chỉ có một Đấng trung-gian giữa Thiên-Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1 Ti-mô-thê 2, 3-5)
2- Ta nhận biết mà xác-minh sự hiện-hữu của Thiên-Chúa qua các kỳ-công Người đã tạo dựng.
Có những sự thật mà nhiều người không tin, không chấp nhận, vì không cách gì chứng-minh được đó là sự thật, và phải chờ thời-gian, hoàn-cảnh cùng những sự việc thực-tế xảy ra kiểm-nghiệm, mới biết đó là sự thật. Chẳng hạn, nghe lời kể của đứa trẻ thật-thà, hồn-nhiên, đơn-sơ, nhiều người không tin, mặc dù đó là có thật. Tương-tự, nhiều người không tin có Chúa, vì tuy họ không lập luận, nhưng họ không thể chối cãi được những mầu-nhiệm kỳ-công Thiên-Chúa đã thực-hiện ngoài sức hiểu biết của con người, và những điều hiển-nhiên trước mắt này ít ra cũng đủ xác-minh để ta không những xác-tín mà còn phải thâm-tín có sự hiện hữu đích thực của Thiên-Chúa.
Sách Thánh có lời chép:
“Trời cao tường thuật truyền loan,
Công-trình kỳ-vĩ vinh-quang của Ngài.”
(Thánh-Vịnh 18, 2) (*)
Khi chiêm ngắm các tạo-vật, dưới ánh sáng tự-nhiên của lý-trí, con người có thể nhận biết được Thiên-Chúa một cách chắc-chắn, như lời thánh Phaolô gửi các tín-hữu Rô-ma: “Những gì người ta có thể biết về Thiên-Chúa, thì thật là hiển-nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên-Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên-Chúa, tức là quyền-năng vĩnh-cửu và thần-tính của Người, thì từ khi tạo thành vũ-trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công-trình của Người.” (Rm. 1, 19-25)
Quả thế, lời Chúa dạy: “Hãy hỏi bầy vật, chúng dạy-dỗ ngươi! Hãy hỏi chim trời, chúng chỉ bảo ngươi! Rắn rết dưới đất sẽ giảng dạy ngươi! Vì có loài nào trong bọn chúng lại không biết rằng chính tay Chúa đã dựng nên mọi sự đó?” (Job 12, 7-9)
3- Thiên-Chúa là Sự Thật, đối nghịch với Dối-Trá là cha của ma quỷ, cho nên “không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mat. 6, 24)
Dĩ-nhiên là ta phải đứng về phía Sự Thật, làm tôi một Thiên-Chúa mà thôi. Thánh-thư chỉ dẫn cho biết cách nào để biết là ta đứng về phía Sự Thật.
3.1- Trước hết là minh-định lập-trường tuyên xưng Đức Tin.
“Căn cứ vào điều này,
anh em nhận ra thần-khí của Thiên-Chúa:
thần-khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô
là Đấng đã đến và trở nên người phàm
thì thần-khí ấy bởi Thiên-Chúa,
còn thần-khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu
thì không bởi Thiên-Chúa;
đó là thần-khí của tên phản Kitô.
Anh em đã nghe nói là nó đang tới
Và hiện nay nó đang ở trong thế-gian rồi.
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ!
Anh em thuộc về Thiên-Chúa
Và anh em đã thắng được các ngôn-sứ giả đó
Vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế-gian.
Các ngôn-sứ giả đó thuộc về thế-gian
Vì thế, chúng nói theo thế-gian, và thế-gian nghe chúng,
Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên-Chúa.
Ai biết Thiên-Chúa thì nghe chúng ta.
Ai không thuộc về Thiên-Chúa
Thì không nghe chúng ta.
Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra
Thần-Khí dẫn đến sự thật
Và thần-khí làm cho sai lầm.
(1 Gioan 4, 2-6)
3.2- Sau nữa, để chúng tỏ sự thật và đứng về phía sự thật, ta phải xác-tín Thiên-Chúa là tình yêu: yêu mến Thiên-Chúa và yêu tha-nhân.
Hạt muối kia, trước biển cả, không sao thấu-triệt được đại-dương mênh-mông sâu thẳm, nó phải hoà trong giòng nước cho đến tan hẳn vào nước biển, mới thấy biển bao-la như thế nào, con người đối với Thiên-Chúa cũng vậy, cũng phải nhập hồn vào với Người để cho hồn mình tan biến trong Người bằng tình yêu:
“Tình yêu bắt nguồn từ Thiên-Chúa.
Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên-Chúa sinh ra
Và người ấy biết Thiên-Chúa.
Ai không yêu thương, thì không biết Thiên-Chúa,
Vì Thiên-Chúa là tình yêu.
Ai ở lại trong tình yêu
Thì ở lại trong Thiên-Chúa
Và Thiên-Chúa ở lại trong người ấy”
(1 Gio-an 4, 7-8, 16)
Thật thế, có yêu Chúa thì mới biết yêu thương tha-nhân, do đó mới biết Chúa đích thực, vì như lời thanh Gio-an: “Ai yêu mến Thiên-Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Gio-an 4, 21), lại phải yêu thương thật tình: “chúng ta đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật.” (1 Gio-an 3, 18-19)
III- THIÊN-CHÚA LÀ SỰ THẬT VĨNH-CỬU
1- Đã gọi là sự thật thì trước sau như một, không thay đổi. Kẻ thay lòng đổi dạ không đứng về phía sự thật, họ là kẻ đen bạc dối-trá. Trái lại Thiên-Chúa là Đấng trung-tín.
“Chúa chẳng phải như loài người mà biết nói dối, chẳng như con cái A-Dong mà biết phản-bội. Nào có phải Người nói mà không làm, phán dạy mà không thực-hiện đâu.” (Dân Số 23, 19).
Người là chân-lý vĩnh-cửu, là mẫu gương trung-tín cho mọi người học hỏi và bắt chước. “Đức Giêsu là Amen của Thiên-Chúa, là chứng-nhân trung-thành và chân thật, là khởi-nguyên của mọi loài Thiên-Chúa tạo dựng” (Khải-Huyền 3, 14). Amen nghĩa là tin thật như vậy, chắc-chắn là như thế, là tiếng dùng để xác-tín lòng trung-thành của Chúa và lòng tin của con người.
Chúa luôn luôn giữ lời hứa. Trong Cựu-Ước, đã biết bao lần dân Người được chở-che, cứu thoát theo lời Người đã hứa. Người hứa ban Đấng Cứu Thế, thì đã sai Con Một Người giáng trần để chuộc tội loài người phản-bội bất trung.
Trước khi “bỏ thế-gian mà đến cùng Chúa Cha” (Gio-an 16, 28), Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác-thần. Họ không thuộc về thế-gian cũng như Con đây không thuộc về thế-gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh-hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế-gian, thì con cũng sai họ đến thế-gian. Con xin thánh-hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh-hiến”. (Gio-an 17, 15-19)
Người lại còn hứa với các môn-đệ rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo-Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần-Khí Sự Thật, Đấng mà thế-gian không thể đón nhận, vì thế-gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Gio-an 14, 16-17). Quả-nhiên, đang khi các tông-đồ họp nhau ngày lễ Ngũ Tuần, thì trong “tiếng gió ùa mạnh”, Thánh-Thần Thiên-Chúa đã lấy “hình lưỡi lửa” “đậu xuống từng người một, và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh-Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau.” (Công Vụ Tông Đồ 2, 1-4). Từ đó Thánh-Thần Thiên-Chúa hằng hoạt-động tích-cực trong đời sống của tín-hữu và Hội Thánh Người. “Chính Thần-khí cầu thay nguyện giúp chúng ta …..và Thiên-Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần-Khí muốn nói gì.” (Rô-ma 8, 26-27) và “chính Thần-Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Chính Lời Chúa là Thần-Khí và là sự sống.” (Gio-an 6, 63).
Sau cùng, trung-thành với lời hứa, Chúa Giêsu hằng ở cùng ta luôn mãi trong phép Thánh-Thể.
2-Sự thật vẫn là sự thật dù cho vật đổi sao dời. Chân-lý thì bất biến.
2.1-Thiên-Chúa là Đấng vĩnh-hằng.
“Con ngợi ca tình Chúa muôn nơi mãi mãi,
Cao rao lòng thành tín Chúa vạn đại lâu dài.”
(Thánh-Vịnh 89, 2) (*)
Người hằng hữu từ trước muôn đời và mãi mãi cho đến muôn đời. Người không phải là đoạn thẳng có khởi-điểm và tận-điểm, nhưng là đường thẳng vô cực, là đường tròn vô thuỷ vô chung: “Từ khi núi đồi chưa được tạo thành, địa-cầu và vũ-trụ chưa được dựng nên, thì Ngài vẫn là Thiên-Chúa đến muôn đời.”
“Từ khi chưa có núi đồi,
Địa-cầu vũ-trụ còn thời hồng-hoang,
Thì Thiên-Chúa vẫn vĩnh-hằng,
Từ muôn muôn thuở vô chung đời đời.
(Thánh-Vịnh 90, 2) (*)
2.2- Chúa là chủ thời-gian:
“Chúa là cha của ánh sáng, nơi Người chẳng có biến-dịch, tối-tăm và thay đổi” (Gia-cô-bê 1, 17); “Trời đất sẽ tiêu tan, nhưng Chúa, Chúa còn mãi mãi. Mọi sự sẽ cũ nát như quần áo, như đồ mặc đổi thay, vì chính Chúa biến đổi chúng. Nhưng Chúa vẫn còn y nguyên, tháng năm của Chúa thì vô tận.”
“Địa-cầu này, xưa Chúa chôn móng vững,
Chính tay Ngài đã tạo dựng vòm trời.
Chúng sẽ tiêu tan, nhưng Ngài còn mãi,
Chúng như áo cũ, cũng phải mòn hao,
Ngài sẽ thay chúng khác nào thay áo,
Nhưng chính Ngài, vẫn tiền hậu y nguyên,
Tháng năm Ngài vẫn triền-miên bất diệt.
(Thánh-Vịnh 101, 27-28) (*)
Kết-luận
1- Hình tròn trên mặt phẳng rõ-rệt là hình tròn, nhưng khi nhìn trong không-gian ba chiều mắt ta thấy nó biến-dạng nhưng nó vẫn là một hình tròn ấy. Cái nhìn đa dạng của hình tròn kia cho ta cái nhìn hướng về Thiên-Chúa Ba Ngôi, một Thiên-Chúa với nhiều khuôn dáng tuỳ theo chiều kích của mỗi cách nhìn: đó là Ðấng Công- Minh, Khôn-Ngoan, Trung-Tín, Nhân-Từ, v.v… nhưng vẫn là một Ðấng Tối-Cao duy-nhất, và đó là Sự Thật.
2- Ðến đây, câu hỏi được đặt ra là: đường nào dẫn tới Thiên-Chúa? Cuộc lữ-hành trần-thế đầy gian-lao mệt-mỏi, làm sao có đủ sức tiếp-tục hành-trình? Chúa Ki-tô đã trả lời: “Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Ngài mời gọi ta đi theo Ngài và đến với Ngài để múc nơi Ngài nguồn sống bất tận.
3- Con người, trong thân-phận mỏng giòn yếu-ớt, vẫn cần có điểm tựa để được bảo-hộ, hướng-dẫn. Dĩ nhiên nơi nương-tựa phải khả-tín, nghĩa là người bảo-hộ phải có quyền-năng, công- minh, khôn-ngoan và nhân-hậu, tắt một lời, người ấy là một vị tốt lành chống lại sự gian-ác, là một bậc Chân-Thật, luôn luôn đứng về phía Sự Thật.
Quy-chiếu vào bối-cảnh văn-hoá cội nguồn, người dân Việt, cũng xác-tín vào một Ðấng thiêng-liêng vô hình, toàn-năng, toàn-ái, toàn-chân, đó là Ông Trời. Dân-gian vẫn nói: “Ông Trời có mắt” cho nên “Khôn-ngoan chẳng lại với Trời”, và:
“Của Trời, Trời lại lấy đi,
Giương hai con mắt, làm chi được Trời.”
Vì vậy họ bảo nhau sống sao cho có đức, có nhân:
“Ở hiền thì lại gặp lành,
Áo rách tan-tành, có Trời vá cho.”
Và họ trấn an nhau hãy vững lòng tin ở Trời, vì Trời chính là Đấng Tạo-Hoá toàn năng:
“Xin Trời đừng nắng, chớ mưa,
Lâm-râm gió mát cho vừa lòng tôi.”
Dưới mắt người Kitô-hữu, Ông Trời ấy chính là Thiên-Chúa. Mối tương-quan giữa văn-hóa Việt và Kitô-giáo, vì thế, về phương-diện này, lại càng chứng tỏ giá-trị của Sự Thật, rằng có Trời và Ông Trời là Sự Thật hiển-nhiên, tuyệt-đối và vĩnh-hằng vĩnh-cửu, bất-diệt trong thời-gian và trong không-gian
——————————————————————————–
(*) “Thánh-Vịnh Diễn-Ca”, Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh, nxb Tôn Giáo, 2010
Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh
12 Ðiều Mà Mọi Người Công Giáo Phải Trả Lời Ðược
Tự do ngôn luận là một điều cao quý. Tiếc rằng chúng ta phải trả một giá rất đắt cho nó: Khi dân chúng được quyền tự do muốn nói gì thì nói, họ đôi khi dùng sự tự do đó để nói những điều ngớ ngẩn. Và đó là 12 điều mà chúng tôi sẽ bàn ở đây.
Có một ít điều được nhắc đi nhắc lại, có những điều khác thì họa hiếm mới được nhắc đến, trong khi những người đề xướng những sai lầm này tự do quảng bá chúng, chúng ta là người Công Giáo có nhiệm vụ phải trả lời.
1. “Không có gì là chân lý tuyệt đối cả. Ðiều đúng cho bạn chưa chắc đã đúng cho tôi.”
Người ta dùng lý luận này rất nhiều khi họ không đồng ý với một câu nói và không có cách nào khác để chống đỡ tư tưởng của mình. Vậy, nếu không có gì là đúng cho tất cả mọi người, thì họ muốn tin gì thì tin, và không thể nói gì để làm họ đổi ý cả.
Nhưng hãy nhìn lại câu nói “Không có gì là chân lý tuyệt đối cả” một lần nữa. Có phải chính câu này đã khẳng định nó là điều tuyệt đối không? Nói cách khác, nó áp dụng ít qui luật hay tiêu chuẩn cho mọi người — chính là điều mà những người theo tương đối nói là không thể được. Họ đã hóa giải lập luận của họ bằng cách đưa ra lập luận của họ.
Một vấn đề khác với câu này là không có một người theo thuyết tương đối nào lại thật sự tin điều đó. Nếu có ai nói với bạn, “Không có chân lý tuyệt đối nào cả,” và bạn thụi vào bụng người đó, người đó có lẽ sẽ nổi nóng. Nhưng theo niềm tin của anh ta, anh ta phải nhận rằng đấm vào bụng ai có thể sai đối với anh, nhưng có thể đúng đối với bạn.
Khi đó họ sẽ trở lại với một bổ túc cho câu nói nguyên thủy là: “Bao lâu bạn không làm đau người khác, bạn tự do muốn làm gì và tin gì tùy ý.” Nhưng đây chỉ là một sự phân biệt tùy ý (cũng như là câu nói tuyệt đối khác). Ai nói là tôi không được làm đau người khác? Cái gì là đau? Luật này từ đâu mà đến?
Nếu câu này được đưa ra dựa theo quyền của cá nhân, thì không có nghĩa gì đối với người khác. “Ðừng làm hại” chính nó là một thỉnh cầu đối với một cái gì cao trọng hơn – một loại phẩm giá chung của con người. Nhưng câu hỏi lại là phẩm giá từ đâu đến.
Như bạn có thể thấy, càng đi sâu vào những câu hỏi này, thì bạn càng hiểu biết rằng quan niệm về lẽ phải và chân lý không phải tùy ý, nhưng dựa vào một vài chân lý cao quý và phổ quát ngoại tại — một chân lý được viết trong chính bản tính của chúng ta. Chúng ta có thể không biết nó trọn vẹn , nhưng không thể chối rằng không có chân lý đó.
2. Kitô giáo không hơn gì các tín ngưỡng khác. Tất cả mọi tôn giáo đều dẫn đến Thiên Chúa.”
Nếu bạn không nghe đến câu này vài chục lần, bạn không rút ra được bao nhiêu. Ðáng buồn là những người nói lên điều này thương lại là Kitô hữu (ít ra trên danh nghĩa).
Những trở ngại với quan điểm này thật không phức tạp gì cả. Kitô giáo đưa ra một chuỗi những lời xác nhận về Thiên Chúa và con người: Rằng chính Chúa Giêsu Nadareth là Thiên Chúa, và Người đã chết và sống lại — tất cả để chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi. Mọi tôn giáo khác trên thế giới phủ nhận tất cả những điều này. Cho nên, nếu Kitô giáo là đúng, thì đạo này nói cho thế gian biết một chân lý sống còn — một chân lý mà tất cả các tôn giáo khác phủ nhận.
Chỉ điều này thôi đã làm cho Kitô giáo thành duy nhất.
Nhưng nó không ngừng ở đó. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan.
“Thầy là đường, sự thật, và sự sống; không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy.” Trong Kitô giáo, chúng ta có trọn sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Ðúng là tất cả các tôn giáo chứa đựng một phần chân lý — số lượng thay đổi tùy theo tôn giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta khao khát mong muốn theo và thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta có nên làm theo cách Ngài chỉ dạy không?
Nếu Chúa Giêsu quả thực là Thiên Chúa, thì chỉ Kitô giáo chứa đựng hoàn toàn chân lý này.
3. “Cựu Ước và Tân Ước trái ngược nhau ở nhiều chỗ. Nếu một Thiên Chúa toàn năng linh hứng Thánh Kinh, thì Ngài đã không để cho có sai lỗi.”
Ðây là một luận điệu thông thường, người ta có thể thấy khắp nơi trên Internet (nhất là những websites vô thần và tự do tư tưởng). Một bài trên website của Vô Thần ghi rằng “Ðiều lạ thường về Thánh Kinh không phải vì tác giả là Thiên Chúa; chính là những mâu thuẫn được bịa đặt vô nghĩa mà người ta có thể tin là được Thiên Chúa thượng trí viết ra.”
Những câu như thế thường được kèm theo một danh sách những câu “mâu thuẫn” trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, những điều cho là mâu thuẫn có ít sai lầm đơn giản. Thí dụ, người phê bình không đọc những sách khác nhau trong Thánh Kinh theo thể văn mà các sách đó được viết. Xét cho cùng, Thánh Kinh là một sưu tập nhiều loại văn tự… lịch sử, thần học, thơ phú, và khải huyền,vv…. Nếu chúng ta đọc các sách này cùng một cách cứng ngắc như chúng ta đọc báo ngày nay, thì chúng ta sẽ bị bối rối kinh khủng.
Và danh sách “các mâu thuẫn” trong Thánh Kinh minh xác điều này. Thí dụ lấy điều đầu tiên trong danh sách Vô Thần của Mỹ:
“Hãy nhớ ngày Sabát, và giữ nó cách thánh thiện.” Xuất Hành 20:8
So với
“Người thì cho rằng ngày này trọng hơn ngày khác; người khác lại cho rằng ngày nào cũng như nhau. Vậy mỗi người phải xác tín trong thâm tâm mình.” Rom 14:5
Người vô thần la lên: Ðó! rõ ràng là một mâu thuẫn. Nhưng phê bình gia quên không nhắc đến điều mà mọi Kitô hữu đều biết: Khi Ðức Kitô thiết lập Giao Ước Mới, thì những đòi hỏi về nghi lễ của Giao Ước Cũ được làm trọn (và qua đi). Vì thế việc những luật lệ trong Cựu Ước về nghi lễ không còn được ứng dụng cho dân của Tân Ước là điều hoàn toàn hợp lý.
Nếu nhà phê bình hiểu giáo lý đơn giản này của Kitô giáo, thì anh đã không mắc phải một lỗi sơ đẳng như thế.
Ðiều kế tiếp trong danh sách của Vô Thần Mỹ cũng có khuyết điểm tương tự:
“…trái đất mãi mãi trường tồn.”
Giảng Viên 1:4
So với:
Giảng Viên 1:4
So với:
“…các nguyên tố vật chất sẽ cháy tiêu tan, trái đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.” 2 Phr 3:10
Vậy Cựu Ước cho rằng trái đất sẽ tồn tại đến muôn đời, trong khi Tân Ước nói rằng nó rồi sẽ bị hủy diệt. Chúng ta dung hòa hai câu này thế nào? Thực ra rất dễ, lại theo sự hiểu biết về thể văn mà theo hai sách này được viết ra.
Thí dụ Sách Giảng Viên so sánh cái nhìn thế tục và tôn giáo – và hẩu hết sách này viết theo quan niệm thế tục. Ðó là lý do tại sao chúng ta thấy những dòng như, “Bánh được làm cho vui, và rượu làm cho cuộc đời thêm tươi, và tiền bạc giải quyết được tất cả” (GV 10:19).
Tuy nhiên, ở cuối sách, tác giả đưa ra một khúc quanh, không cần tất cả “sự khôn ngoan” ông tặng và bảo chúng ta “Kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn Ngài; vì đó là tất cả nhiệm vụ của con người..” (12:13).
Nếu một độc giả ngưng đọc trước khi đến cuối, thì người ấy sẽ bối rối như phê bình gia Vô Thần Mỹ. Tuy nhiên, vì quan điểm đó nảy ra khái niệm về một thế giới trường tồn bị gạt bỏ ở hàng cuối cùng của sách, hiển nhiên là không có mâu thuẫn với điều được mạc khải sau đó ở trong Tân Ước. (Và đây chỉ là một cách để trả lời tố cáo về sự khác biệt này)
Những “mâu thuẫn” khác giữ Cựu và Tân Ước có thể được trả lời cách tương tự. Hầu như với điểm nào, nhà phê bình cũng bị lầm lẫn về mạch văn, không để ý đến thể văn, và không để dành chỗ nào cho việc cắt nghĩa cách hợp lý.
Không một Kitô hữu biết suy nghĩ nào phải bối rối về những danh sách này.
4. “Tôi không cần đến Nhà Thờ. Bao lâu tôi là một người tốt, chỉ có điều đó mới đáng kể.”
Luận điệu này dược dùng thường xuyên, và rất gian xảo. Khi một người nhận mình là “người tốt,” người đó thật sự ám chỉ rằng họ “không phải là một người xấu.” — người xấu là người sát nhân, hiếp dâm, và trộm cắp. Phần đông người ta không cần cố gắng mấy để tránh các tội này, và đó là tư tưởng: Chùng ta muốn làm một số việc tối thiểu để được thông qua. Ðiều đó không giống Ðức Kitô lắm, phải không?
Nhưng bỏ qua trạng thái tâm lý đó, có một lý do quan trọng để người Công Giáo đền Nhà Thờ hơn là chỉ để thực hành việc đi thêm một dặm nữa. Thánh Lễ là viên đá góc của đời sống đức tin của chúng ta vì một điều nằm ở trọng tâm của nó: Bí Tích Thánh Thể. Ðó là nguồn mạch của tất cả đời sống cho người Công Giáo, là những người tin rằng bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Ðức Kitô. Chứ không phải chỉ là biểu tượng của Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa hiện diện cách thể lý với chúng ta bằng một phương thế mà chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được bằng cầu nguyện.
Chúa Giêsu phán, “Thật, Thật, Ta bảo các người, trừ khi các người ăn thịt Con Người và uống máu Người, các người không có sự sống trong các người; ai ăn thịt và uống máu Ta có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:53-54). Chúng ta tôn trọng lệnh của Chuá Giêsu và tin tường vào lời hứa của Người mỗi lần chúng ta đi dự Thánh Lễ.
Hơn nữa, bí tích Thánh Thể, cùng với tất cả các bí tích khác, chỉ dành cho những người ờ trong Hội Thánh. Là phần tử của Hội Thánh, nhiệm thể hữu hình của Ðức Kitô trên thế gian, đời sống chúng ta liên hệ mật thiết với đời sống của người khác trong Hội Thánh. Liên hệ cá nhân của chúng ta đối với Thiên Chúa thật quan trọng, nhưng chúng ta cũng có nhiệm vụ sống như những phần tử trung thành của nhiệm thể Ðức Kitô. Là “người tốt” mà thôi chưa đủ.
5. “Bạn không cần phải xưng tội với một linh mục. Bạn có thể đến thẳng cùng Thiên Chúa.”
Như một cựu mục sư Baptist, tôi có thể hiểu việc chống xưng tội của người Tin Lành (họ hiểu về chức linh mục một cách khác). Nhưng một người Công Giáo mà nói một điều như thế… thì thật là thất vọng. Tôi nghi rằng bản tính loài người là thế, người ta thường không thích nói cho người khác biết tội mình, nên đưa ra lý do để biện minh tại sao không làm thế..
Bí Tích Giải Tội đã có với chúng ta từ đầu, từ chính Lời của Ðức Kitô:
“Chúa Giêsu lại bảo các ông, ‘Bình an cho các con! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.’ Nói rồi, Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, ‘Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc.’” (Ga 20:21-23)
Nên ghi nhận rằng Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền tha tội.. Tất nhiên, họ không biết phải tha tội nào nếu họ không được nói cho biết là tội nào chúng ta phạm.
Việc xưng tội cũng được chứng minh trong thư thánh Giacôbê:
Có ai trong anh em đau ốm? Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh, và hãy để họ cầu nguyện trên người ấy, xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; Và lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu người bệnh; và Chúa sẽ nâng người ấy dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy xưng tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được chữa lành. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính có hiệu lực rất lớn lao. (Gia 5:14-16)
Ðiều đáng quan tâm là không có chỗ nào Thánh Giacôbê (hay Chúa Giêsu) bảo chúng ta là chỉ xưng tội với Thiên Chúa, nhưng các Ngài có vẻ nghĩ là ơn tha tội đến bằng cách xưng tội công khai.
Và lý do thật dễ hiểu. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta làm tổn thương không những mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, mà còn với Nhiệm Thể Người, là Hội Thánh (vì tất cả mọi người Công Giáo nối kết với nhau như con cùng một Cha). Cho nên khi chúng ta xin lỗi, chúng ta phải xin lỗi tất cả mọi nhóm liên hệ – Thiên Chúa và Hội Thánh.
Hãy nghĩ về xưng tội cach này. Thử tưởng tượng rằng bạn vào một tiệm và ăn cắp vài món hàng. Sau đó, bạn áy náy và hối hận về hành động tội lỗi này. Giờ đây, bạn có thể cầu xin Thiên Chúa tha cho bạn vì đã phạm giới răn của Ngài. Nhưng còn một phần tử khác liên hệ; bạn phải trả lại món hàng và đền bù cho hành động của bạn.
Ðối với Hội Thánh cũng thế. Trong toà giải tội, linh mục đại diện cho Thiên Chúa và Hội Thánh, vì chúng ta có tội với cả hai. Và khi ngài công bố lời tha tội, thì sự tha thứ chúng ta lãnh nhận được trọn vẹn.
6. “Nếu Hội Thánh thật sự theo Chúa Giêsu, thì đã bán các nghệ thuật, tài sản, và các công trình kiến trúc lãng phí, mà cho người nghèo.”
Khi một người nghĩ đến Thành Vatican, họ liên tưởng ngay đến một vương quốc giàu sang, với nơi ở như cung điện cho Ðức Giáo Hoàng và các hòm đầy vàng cất ở các xó nhà, chưa kể đến các sưu tầm nghệ thuật và đồ cổ vô giá. Nhìn đếnVatican cách này thì dễ thấy tại sao một số người trở thành bực tức vì những điều họ nghĩ là sự khoe khoang tài sản cách phô trương và phí phạm.
Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác. Các dinh thự chính gọi là “Ðiện Vatican” không phải được xây làm chỗ ở xa hoa của Ðức Giáo Hoàng. Thực ra, khu vực gia cư tương đối nhỏ. Phần lớn điện Vaticanđược dùng vào việc nghệ thuật, khoa học, điều hành công việc Hội Thánh, và điều hành chung của điện. Có một số đông nhân viên của Hội Thánh và hành chánh sống trong điện Vatican cùng ÐTC, làm cho nó thành trụ sở chính của Hội Thánh.
Còn về những sưu tầm nghệ thuật, thực sự là sưu tập quý nhất trên thế giới, Vatican coi đó như một “kho tàng không thể thay thế được,” nhưng không phải về diện tài chánh. ÐTC không làm chủ những tác phẩm nghệ thuật này, và nếu ngài muốn, ngài cũng không được phép bán chúng; chúng chỉ được đặt dưới sự săn sóc của Toà Thánh. Các tác phẩm này không đem nguồn lợi đến cho Hội Thánh, mà ngược lại, Tòa Thánh phải đầu tư một số tài nguyên không nhỏ để bảo tổn các sưu tầm này.
Sự thật của vấn đề này là Tòa Thánh có một ngân sách khá eo hẹp Nếu thế thì tại sao lại giữ những nghệ phẩm này? Vì tin vào một trong các sứ mệnh của Hội Thánh là một động lực truyền bá văn minh trong thế giới. Cũng như các thầy dòng thời trung cổ cẩn thận chép lại các sách cổ để cung cấp cho các thế hệ tương lai — nếu không thì những văn bản này không còn nữa — Hội Thánh tiếp tục bảo trì nghệ thuật để chúng không bị mai một với thời gian. Trong nền văn hóa sự chết ngày nay khi mà từ “văn minh” chỉ được dùng cách lỏng lẻo, sứ vụ truyền bá văn minh của Hội Thánh ngày nay còn quan trọng hơn bao giờ hết.
7. “Chống đối thực sự là điều tích cực, vì tất cả chúng ta phải có đầu óc cởi mở đối với những tư tưởng mới.”
Ngày nay có lẽ bạn đã nghe lập luận này nhiều rồi, nhất là trong vụ gương mù về lạm dụng tính dục trong Hội Thánh. Ai cũng muốn tìm giải pháp cho vấn đề, trong đó có người đưa ra những tư tưởng ngoài đức tin Công Giáo (như cho phụ nữ, hay mở cửa cho đống tính luyến ái làm linh mục, v.v…). Nhiều người đổ tội cho Hội Thánh vì quá cứng rắn về đức tin và không muốn thử những điều mới.
Sự thật là nhiều tư tưởng về cải cách được đề ra khắp nơi ngày nay không có gì là mới mẻ cả. Chúng đã được đề ra từ lâu, và Hội Thánh đã quan tâm đến chúng. Thực ra, Hội Thánh đã bỏ cả đời ra nghiên cứu cẩn thận các tư tưởng và quyết định rằng tư tưởng nào hợp với luật Thiên Chúa và tư tưởng nào không. Hội Thánh đã gạt ra hết lạc giáo này đến lạc giáo khác trong khi cẩn thận xây dựng giáo lý Ðức Tin. Chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy có cả ngàn giáo hội Kitô khác ngày nay — tất cả các giáo hội đó đều một thời có “những tư tưởng mới” mà Hội Thánh cho là ngoài Kho Tàng Ðức Tin.
Hội Thánh có môt nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ sự ven toàn của Ðức Tin. Hội Thánh không bao giờ loại bỏ ngay các tư tưởng như một số người chống đối kết án, nhưng đã có hai ngàn năm cầu nguyện và nghiên cứu đằng sau những gì phải tin và phải giữ gìn là chân thật.
Ðiều này không có nghĩa là chúng ta không bao giờ bất đồng ý kiến với nhau ở điểm gì. Luôn luôn có chỗ để thảo luận làm thế nào để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về chân lý — thí dụ, làm sao để cải tiến các chủng viện hay các tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân– tất cả đều trong phạm vi của những nguyên tắc Ðức Tin.
8. Nếu giải thích đúng, Thánh Kinh không lên án đồng tính luyến ái. Nhưng đúng hơn là chống lối sống bừa bãi – dù là đồng tính hay giữa nam nữ. Vì vậy, chúng ta không có lý do để chống liên hệ tình yêu đồng tính.”
Khi hành vi đồng tính luyến ái được chấp nhận rộng rãi hơn trong nền văn hóa của chúng ta, thì sẽ có nhiều áp lực hơn giữa các Kitô hữu để giải thích sự cấm đoán điều này cách tỏ tường trong Thánh Kinh. Hiện thời tiêu chuẩn của phe cấp tiến là cho rằng Thánh Kinh — khi hiểu đúng — không cấm những hành vi đồng tính.
Nhưng luận điệu này hoàn toàn trái ngược với những câu rõ ràng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Các câu đầu tiên dĩ nhiên là câu chuyện thời danh về Sođôm và Gômôra. Nếu bạn nhớ lại chuyện hai thiên sứ được Thiên Chúa sai đến thăm ông Lót:
“Nhưng khi các ngài đi nằm thì dân trong thành, tức là người Sôđôm, bao vây nhà, từ trẻ đến già, tất cả mọi người không trừ ai. Chúng gọi ông Lót và bảo: “Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi? Hãy đưa họ ra cho chúng tôi chơi.” Ông Lót ra trước cửa gặp chúng, đóng cửa lại sau lưng,” rồi nói: “Thưa anh em, tôi xin anh em đừng làm bậy. Đây tôi có hai đứa con gái chưa ăn ở với đàn ông, tôi sẽ đưa chúng ra cho anh em; anh em muốn làm gì chúng thì làm, nhưng còn hai người này, xin anh em đừng làm gì họ, vì họ đã vào trọ dưới mái nhà tôi.” Chúng đáp: “Xê ra! Tên này là một kiều dân đến đây trú ngụ mà lại đòi xét xử à! Chúng tao sẽ làm dữ với mày hơn là với những tên kia!” Họ xô mạnh ông Lót và xông vào để phá cửa. Nhưng hai người khách đưa tay kéo ông Lót vào nhà với mình, rồi đóng cửa lại.(STK 19:4-10)
Thông điệp của đoạn này thật rõ ràng. Các người Sôđôm là người đồng tính luyến ái muốn liên hệ tính dục với những người thanh niên ở trong nhà. Ông Lót cho họ con gái ông, nhưng họ không thích. Ít giờ sau, Sôđôm bị Thiên Chúa thiêu hủy để đền tội dân chúng phạm — đó là các hành vi đồng tính luyến ái. Sự thật này được Tân Ứớc xác nhận:
Như Sôđôm, Gômôra và các thành lân cận cũng có cùng một thái độ như họ, buông tuồng trong việc tà dâm, và chạy theo những chuyện xác thịt trái tự nhiên, thì đã được dùng để làm gương, bằng cách chịu phạt trong lửa đời đời. (Giuđa 7)
Nhưng không phải chỉ có những đoạn này trong Thánh Kinh lên án hành vi đồng tính. Cựu Ước còn có một câu khác lên án cách rõ ràng:“Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm.” (Levi 18:22).
Và những câu này không chỉ được giữ trong Cựu Ước mà thôi.
“Vì lý do đó mà Thiên Chúa đã để mặc họ theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên.Ðàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông, và như thế chuốc vào thân hình phạt xứng với sự suy đồi của họ.”(Rom1:26-27)
Thật khó vô cùng cho những Kitô hữu cấp tiến giải thích câu này cách ngược lại. Ở đây không chỉ nói đến việc dâm loàn hay hiếp dâm của người đống tính; nhưng Thánh Phaolô chống lại bất cứ liên quan đồng tính nào (mà ngài diễn tả là “trái tự nhiên,” “tồi bại” và “đồi bại”).
Các Kitô hữu cấp tiến bị trói tay. Sau cùng, một người làm thế nào mà dung hòa đồng tính luyến ái với Thánh Kinh? Xem ra giải pháp của họ là lấy đi quyền về luân lý của Thánh Kinh, và giải thích vòng vo để tránh thông điệp thật rõ ràng này.
9. “Người Công Giáo nên theo lương tâm trong mọi sự… dù là phá thai, ngừa thai, hay phong chức thánh cho phụ nữ.”
Ðúng –Sách Giáo Lý nói rất thẳng, “Con người có quyền hành động theo lương tâm và sự tự do để tự mình quyết định về luân lý. “Không được cưỡng bách ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, đặc biệt là trong những vấn đề tôn giáo ” (1782). Giáo huấn này là trọng tâm của điều gọi là có ý chí tự do.
Nhưng điều đó không có nghĩa là lương tâm chúng ta không phải chịu trách nhiệm hay có thể gạt luật của Thiên Chúa ra ngoài. Ðây là điều mà Giáo Lý gọi là có “một lương tâm được huấn luyện chu đáo.”
Sách Giáo Lý trao cho lương tâm con người một trách nhiệm nặng nề:
“Lương tâm luân lý, hiện diện trong lòng người, ra lệnh vào lúc thích hợp cho con người làm lành lánh dữ…. Lương tâm chứng nhận quyền bính của chân lý bằng cách chiếu theo Sự Thiện Hảo tối thượng (Thiên Chúa), là Ðấng mà con người được thu hút và đón nhận mệnh lệnh. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể nghe tiếng Thiên Chúa đang nói” (1777).
Nói cách khác, lương tâm chúng ta không phải chỉ là “cái gì chúng ta cảm thấy đúng”; mà là những gì chúng ta phán quyết là đúng dựa theo những điều chúng ta biết là giáo huấn của Thiên Chúa và Hội Thánh. Và để phán đoán, chúng ta có nhiệm vụ học hỏi và cầu nguyện rất cẩn thận về những giáo huấn này. Sách Giáo Lý có trọn một phần dành riêng cho việc huấn luyện lương tâm cách kỹ lưỡng — và nó quan trọng thế nào trong việc quyếtb định đúng.
Và sau cùng, dù đúng hay sai, chúng ta vẫn chịu trách nhiệm về việc chúng ta làm: “Lương tâm giúp chúng ta gánh nhận trách nhiệm đối với việc chúng ta làm” (1781). Khi được đào luyện đúng, nó giúp chúng ta thấy khi nào chúng ta làm sai và cần được tha thứ tội lỗi chúng ta.
Bằng cách cố gắng để có một lương tâm được đào luyện hoàn toàn, chúng ta thật sự cảm nghiệm được sự tự do lớn lao, vì chúng ta được lôi cuốn lại gần chân lý vô cùng của Thiên Chúa. Nó không phải là một gánh nặng hay là một cái gì ngăn cản chúng ta làm điều chúng ta thích; nhưng là một sự hướng dẫn giúp chúng ta làm những gì là đúng. “Việc giáo dục lương tâm đảm bảo sự tự do và đem lại bình an trong tâm hồn” (1784).
10. Phương Pháp Tự Nhiên chỉ là một cách ngừa thai của Công Giáo.”
Phương Pháp Tự Nhiên (PPTN) có kẻ thù mọi mặt. Có người tin rằng đó là một cách ngừa thai khác thiếu thực tế (mà cách nào họ cũng không cho là có tội) trong khi người khác lại cho rằng nó cũng xấu chẳng khác gì ngừa thai.. PPTN phải đi giữa ranh giới của hai cực đoan.
Trước nhất, vấn đề chính của việc ngừa thai là nó ngược lại với bản chất của cơ thể chúng ta — và cách chung sự tự nhiên. Mục đích của nó là tách rời hành động (tính dục) ra khỏi hậu quả (có thai), chính là hạ sự thánh thiện của tính dục xuống thành sự theo đuổi lạc thú thuần túy.
PPTN, khi dùng vì lý do chính đáng, thì còn hơn là một dụng cụ được dùng để xem đôi hôn nhân có phương tiện (dù là tài chánh, thể lý, hay tâm lý) để đón nhận một đứa trẻ vào cuộc đời của họ. Nó liên quan đến việc hiểu biết chính thân thể của mình, cẩn thận lưu tâm đến hoàn cảnh của bạn trong cuộc đời, thảo luận vấn đề với bạn đời, và trên hết là cầu nguyện. Thay vì thoát ly thực trạng đầy đủ của tính dục, bạn tham gia vào đó với một sự hiểu biết hơn về mọi khía cạnh liên quan.
Những người ủng hộ việc hạn chế sinh sản chỉ vào những người không thể cố gắng có thêm con, hay sức khỏe có thể bị nguy hiểm vì mang thai thêm. Nhưng đó là những lý do hoàn toàn chính đáng để dùng PPTN — những hoàn cảnh mà phương pháp này hoàn toàn hiệu quả — và Hội Thánh cho phép dùng nó.
Những người khác nghĩ rằng dùng bất cứ phương thức nào để giới hạn số con trong gia đình là đóng vai Thiên Chúa, hơn là để Ngài cung cấp cho chúng ta như Ngài thấy cần. Ðúng là chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa và luôn chấp nhận sự sống Ngài ban cho chúng ta, nhưng chúng ta không phải hoàn toàn buông xuôi về phương diện này.
Thí dụ, thay vì phung phí tiền bạc lung tung và nói rằng “Thiên Chúa sẽ cung cấp,” các gia đình cẩn thận dự trù ngân sách tài chánh và cố gắng không tiêu xài quá khả năng của mình. PPTN cũng giống như ngân sách đó, giúp chúng ta suy nghĩ đến hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc đời và hành động theo đó trong tinh thần cầu nguyện. Biết mình và dùng trí khôn cùng ý chí tự do, thay vì thụ động mong chờ Thiên Chúa lo liệu mọi sự, là một phần của bản tính con người. Chúng ta được mời gọi để trở nên những người quản lý tốt các hồng ân Chúa ban; chúng ta phải cẩn thận đừng coi thường các ân huệ này.
11. “Người ta có thể vừa ủng hộ phá thai (tự do chọn lựa) vừa đồng thời là Công Giáo.”
Trong khi đây là một huyền thoại thông thường nhất mà người Công Giáo hiểu về đức tin của họ, nó cũng là một điều dễ đánh tan nhất. Sách Giáo lý không chẻ một chữ nào khi nói về phá thai: nó được liệt kê cùng với tội giết người trong các tội phạm đến điều răn thứ năm, “Chớ giết người.”
Những đoạn sau nói rõ: “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai” (2270). “Ngay từ thề kỷ thứ nhất Hội Thánh đã xác nhận sự dữ về luân lý của mọi cuộc phá thai cố tình. Giáo huấn này không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi” (2271). “Hợp tác chính thức vào việc phá thai là tội trọng. Hội Thánh gán hình phạt vạ tuyệt thông cho các tội phạm đến sự sống con người” (2272).
Có thể nói rõ ràng hơn thế nữa. Tuy nhiên, có những người sẽ lý luận rằng là người “tự do chọn lựa” không có nghĩa là ủng hộ phá thai; nhiều người cho rằng phá thai là sai, nhưng không muốn áp đặt tư tưởng của mình trên người khác.
Ðó là lại là luận “điều đúng cho bạn có thể không đúng cho tôi” mà thôi. Hội Thánh cũng có câu trả lời cho lập luận này: “Những quyền bất khả xâm phạm của con người phải được xã hội dân sự và chính quyền nhìn nhận và tôn trọng. Những quyền này không lệ thuộc vào các cá nhân, hay cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng của xã hội và của quốc gia, nhưng thuộc về bản tính con người và gắn liền với con người do chính hành động sáng tạo của Thiên Chúa mà từ đó sinh ra con người” (2273)..
Tính linh thiêng của sự sống là một chân lý phổ quát không thể coi thường được. Khuyên ai phá thai, hay ngay cà bỏ phiếu cho các chính trị gia cổ võ việc phá thai, là một tội trọng, vì nó đưa người khác đến tội trọng – là điều mà Sách Giáo Lý gọi là làm gương mù (2284).
Hội Thánh mạnh dạn và dứt khoát chống phá thai, và chúng ta là người Công Giáo cũng phải khẳng định lập trường của chúng ta như thế.
12. “Việc người ta nhớ lại cuộc sống ở kiếp trước chứng tỏ rằng luân hồi là đúng… và quan điểm của Kitô Giáo về Thiên Ðàng, Hỏa Ngục là sai.”
Khi xã hội trở nên mê hoặc nhiều hơn với những hiện tượng siêu hình, chúng ta có thể chắc sẽ thấy thêm những vụ nhận rằng “nhớ lại kiếp trước”. Quả thật, bây giờ có những tổ chức giúp bạn trở lại các kiếp trước của bạn bằng cách dùng thôi miên.
Trong khi điều này có thể thuyết phục một số người, chắc chắn rằng không thuyết phục được những người quen thuộc với thôi miên. Hầu như ngay từ đầu, các nhà khảo cứu đã ghi nhận rằng các bệnh nhân ngủ mê trong lúc bị thôi miên thường thêu dệt những câu chuyện ký ức phức tạp, mà sau đó được tỏ ra là không có thật. Những nhà chữa trị danh tiếng đã biết rõ hiện tượng này, và cẩn thận cân nhắc những gì bệnh nhân nói khi bị thôi miên.
Ðáng buồn là đây không phải là trường hợp đối với những người muốn tìm “bằng chứng” của luân hồi. Có lẽ thí dụ điển hình nhất của sự bất cẩn này là trường hợp nổi tiếng của Bridey Murphy. Nếu bạn không biết chuyện đó, thì đây là một tóm lược: Năm 1952, một bà nội trợ ởColorado tên là Virginia Tighe được thôi miên. Bà bắt đầu nói giọng Ái Nhĩ Lan và cho rằng có thời bà là một phụ nữ tên là Bridey Murphy sống ở Cork, Ái Nhĩ Lan.
Câu chuyện của bà ta được viết thành cuốn sách bán chạy nhất, “Cuộc tìm kiếm Bridey Murphy,” và được nhiều chú ý. Các ký giả lục xoát khắp Ái Nhĩ Lan để tìm người nào, hay chi tiết nào có thể xác nhận việc trở lại kiếp trước này. Trong khi không tìm được gì, trường hợp của Bridey Murphy tiếp tục được dùng để chống đỡ các lý luận về luân hồi.
Ðây là một điều bẽ bàng, vì Virginia Tighe bị phanh phui là giả trá vài chục năm qua. Thử nghĩ xem, các bạn bè của Virginia nhớ lại trí tưởng tượng linh động của bà, và khả năng bày đặt những câu chuyện phức tạp (thường xoay quanh tài nhái giọng mà bà ta đã đạt đến mức hoàn bị). Không những chỉ có thế, mà bà còn rất thích Ái Nhĩ Lan, một phần vì tình bạn với một phụ nữ người Ái mà tên họ là — bạn oán xem — Bridie.
Hơn nữa, Virgiania thêm vào câu chuyện trong lúc bị thôi miên nhiều điều khác nhau từ chính đời sống của bà (mà không cho nhà thôi miên biết sự song đôi này). Thí dụ, Bridey diễn tả về “Bác Plazz,” mà các nhà nghiên cứu cho là cách nói sai của người Gaelic “Bác Blaise.” Tuy thế họ bị cụt hứng khi khám phá ra rằng Virginia có một người bạn khi còn nhỏ mà bà gọi là “Bác Plazz.”
Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi Virginia nhảy điệu jig của Ái Nhĩ Lan trong một lần bị thôi miên.. Làm sao mà một bà nội trợ ở Colorado lại học được cách nhảy jig? Ðiều huyền bí này được giải quyết khi người ta biết rằng Virginiađã học điệu nhảy này khi còn bé.
Như trường hợp Bridey Murphy cho thấy, những việc nhận là trở lại tiền kiếp luôn luôn gợi cảm hơn thức tế. Cho đến ngày nay, chưa có một trường hợp nào chứng minh được là có một người nhớ lại được kiếp trước. Chắc chắn là cò nhiều câu chuyện đã được kể lại dưới sự kiểm soát của một nhà thôi miên, tuy nhiên, bằng chứng của luân hồi (giông như Nàng Tiên Răng) vẫn tiếp tục tránh né chúng ta.
Tác giả: DEAL HUDSON
GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ